AFA chào bạn !

Theo khuyến cáo của Tổ chức Lao công Quốc tế, sự tiến bộ của kỹ nghệ và mậu dịch thế giới đạt tỉ lệ thuận với đà tăng của những căng thẳng công sở.

Sìn - bạn tôi, vừa qua tuổi 25 - khi mới quen nhau, thường lảm nhảm về lối sống tối giản và một nước Nhật chính y chưa từng chạm tới. Vấn đề của y gợi cho tôi quay lại cảm thức Con Mèo Đen - góc nhìn vốn không mới nhưng vẫn đúng, thậm chí ngày càng đúng trong nền kỹ nghệ đương đại. Từ thời đầu công nghiệp cơ khí, người Tây phương đã đề xuất hình ảnh con mèo đen như cách trừu tượng hóa tâm lý đám đông trước sức bành trướng của máy móc và tài chính. Vào năm 1843, Edgar Allan Poe gửi đăng tạp chí trứ tác Con mèo đen (The black cat) của mình. Truyện rất ngắn, đại để, nhân vật xưng Tôi kể về đức tính nhu mì và yêu súc vật của mình, y có nuôi một con mèo lông tuyền tên Pluto và ngày nào cũng cưng nó, như thế suốt nhiều năm như tri kỷ, cho đến ngày y đem về nhà cơn say và chút cáu bẳn, con mèo cũng cảm thấy chủ nó có gì bất an và lúc hoảng hốt đã cắn nhẹ vào tay chủ, thình lình y vớ con dao khoét một mắt nó. Khi trấn tĩnh lại, y rất ân hận và tự ghê tởm mình, nhưng rất nhanh lại lao vào những cuộc ăn chơi. Thời gian sau, khi vết thương của con vật cũng lành, thì một buổi tối người ta trông thấy nhà nhân vật chính bị cháy, khi thám sát hiện trường, họ thấy một con mèo đen bị treo cổ trên cây. Trong khi đó, nhân vật xưng Tôi tạm thời được coi là vô can, còn vợ y thì biệt tích. Liền ba hôm sục sạo, cảnh sát không tìm được dấu vết tội phạm nào. Ngày thứ tư, họ mò xuống hầm rượu - nơi sâu nhất của căn nhà - lại hậm hực ra về, nhưng trong phút bốc đồng muốn chứng minh vô tội, nhân vật Tôi đột ngột cầm gậy gõ mạnh vào một góc tường, người ta thấy trong đó có cái xác rữa và một con mèo đen đang đứng trên đầu người chết như cười nhạo nhân vật chính. Thiên truyện của Poe lập tức mở chương mới cho nhận thức về xu hướng quẫn trí trong hình thái xã hội công nghiệp hóa, biểu hiện bằng thói ghẻ lạnh, tàn nhẫn và cả sợ hãi. Ở đây, tội ác chỉ là hệ quả của quá trình trùng lặp một mâu thuẫn. Cũng như, nhân vật Tôi hành hạ con mèo cưng bằng nhiều cách tàn nhẫn chỉ để cố giải quyết cái ám ảnh của bản thân, nhưng sau hành động là nỗi ân hận và tự chối bỏ mình.

Trước đây, hai tác gia Nguyễn Đổng Chi và Nam Cao cũng dẫn ra những trường hợp khác khi con người phải tìm cách kết liễu nỗi sợ mơ hồ của mình. Đôi nhân vật Tấm Cám luôn trong tình trạng bám đuổi nhau, mâu thuẫn cứ ngày một nhân lên và chỉ kết thúc khi nhân vật chính lừa giết được nhân vật thứ ; ở đây, Tấm và Cám chỉ là cách nhân hóa hai mặt đối lập trong tâm khảm mỗi người. Nhưng chưa hết, dì ghẻ - tác nhân lớn nhất của chuỗi mâu thuẫn sẽ bị trừng phạt bằng chính nỗi ám ảnh mình reo rắc : Bà ta phát hoảng khi thấy trong chĩnh mắm có cái đầu lâu con mình và trên cây có con quạ đứng mỉa, khá tương đồng chi tiết cuối truyện của Poe. Truyện Chí Phèo cũng đặt ra tình huống, trong cơn say và sẵn chút bực dọc, Chí Phèo đi tìm Thị Nở, vừa đi hắn vừa đay nghiến “nhà con đĩ Nở”, rồi thì “bà cô”, nhưng bất giác hắn rẽ vào nhà Bá Kiến, thốt ra những lời khác thường và rút dao đâm chết ông ta, rồi tự sát ; ở đây, “Thị Nở - bà cô - cụ Bá” là sự tịnh tiến của quá trình bản ngã tự tìm căn nguyên nỗi sợ. Cái chết của Bá Kiến là hệ quả của chuỗi mâu thuẫn : Ông ta thuần hóa đám du đãng bằng chút quyền và của, nhưng chỉ để đứng vững trong cuộc ganh đua với các phe khác trong làng thay vì thành thực cải thiện tính cách lũ ác ôn. Hành vi này còn được tả rõ hơn trong phim Người phán xử qua lời nhân vật chính : “Ác mộng trong giấc ngủ được lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn tới việc bị ám ảnh và tin những điều trong đó là sự thật, có thể dẫn tới hành động bộc phát và thiếu suy nghĩ, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Uống thuốc an thần và tìm ra căn nguyên hình mẫu có thật liên quan tới cơn ác mộng. Người thật việc thật sẽ giải quyết được tất cả những truyện mộng mị, nó không đơn thuần là những giấc mơ ngẫu nhiên”.

Cũng trường hợp Sìn, y thường than phiền về những cái gằn giọng hoặc vỗ gáy rất mạnh của đồng nghiệp, dẫu là dụng ý tốt nhưng cho thấy người ta không kiểm soát nổi hành vi. Hoàn cảnh công sở nhiều khi phải phiền về lời ong tiếng ve, hoặc gặp sự thiếu ngăn nắp, hoặc tiếng nhạc lúc chói lúc tù, hoặc lạm dụng thuốc (gồm chất kích thích và chất chữa bệnh), hoặc thuần túy là tràng cười sằng sặc chỉ vì câu tếu nhạt... hãy thông cảm ngay rằng đó chỉ là biểu hiện của triệu chứng căng thẳng trong công tác mà thôi. Cùng cách vô thức họ cố giải tỏa ẩn ức, thường theo hai cách tích cực và tiêu cực, nhưng sự diên dụng dễ gây hoặc là hội chứng Munchausen (Munchausen syndrome) hoặc là Alicemộng du tiên cảnh (Alice-in-Wonderland syndrome). Trường hợp đầu khá gần chứng hoang tưởng, nhưng trường hợp sau thường liên đới sự lạm dụng chất kích thích và nhất là máy tính.

Trên phương diện quản trị, doanh giới phải nỗ lực giải quyết trước khi bàn đến các vấn đề phát triển dịch vụ và an toàn chốn công sở. Dưới đây, chúng tôi tường trình mấy hành vi không nên tồn tại nơi làm việc :

1. NẠP NHIỀU THÔNG TIN

Khi được giao bất cứ việc gì, thoạt khởi nhân viên thấy rợn ngợp trước mớ thông tin hổ lốn và nhiều khi quá hạn hiểu, hầu hết ai cũng chọn cách xử lý là cố nạp vào đầu và soạn nhiều phương án giải quyết. Một quan điểm lầm lạc là, não người có thể chứa vô hạn thông tin. Xu hướng con người sẽ trở nên cực đoan hơn khi tiếp nhận thông tin từ ít đến nhiều. Thường là biểu hiện bẳn gắt, đập phá đồ đạc vô cớ, quên tắt thiết bị điện nước khi không dùng, những tràng cười to và dài, thậm chí với nữ giới có thể là tính ưa tọc mạch và tếu... Với người đã có gia đình, những hờn giận này có thể được trực tiếp trút vào người thân dù lý do không rõ ; nhưng lưu ý, ở công sở hạnh kiểm của họ có thể đạt hạng ưu và tuyệt đối hiền hậu. Tôi biết, đa số nhà quản trị chọn cách ban khen hoặc tặng cho họ những cơn mưa lương thưởng, nhưng biện pháp xoa dịu này thậm chí càng nuôi dưỡng ẩn ức của nhân viên hơn. Vả lại, mấy nhà quản trị khác còn khuyến khích trào lưu đọc sách, thì thưa rằng, đây là cách làm quá nguy hiểm, chẳng hơn gì đem dầu chữa lửa.

2. TÙY THUỘC KỸ NGHỆ

Công sở đương đại coi kỹ nghệ là công cụ tối ưu để xong việc và tương tác nhanh, nhất là kỹ nghệ số. Nhưng hệ lụy của quyết sách triệt để máy móc trong không gian công sở chỉ đem tới những bệnh về não và khớp, nhưng rõ nhất là sự kém nhạy cảm về ý thức - như là trạng thái chóng quên, lơ đãng, phân tâm. Mà tới mức, thói quen trực diện đối thoại bị bỏ mất và dù ở sát nhau người ta sẵn sàng thông qua máy móc để bộc lộ cái Tôi. Mặt này, kỹ nghệ đem vào môi trường đầy rẫy sự giả tạo và bất minh, thậm chí sai số nhiều hơn phương pháp thủ công rất hại cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

3. RƯỜM RÀ QUY TẮC

Những uẩn khúc nhiều khi được cấu thành bởi nỗi lo thường trực : Sợ đến sở trễ, sợ không hoàn thành trọng trách, sợ đãi ngộ không xứng, thậm chí là sợ những lời ong tiếng ve... Tôi cũng biết rằng, rất nhiều doanh nghiệp còn giữ sự tường tận trong quy tắc kiểm soát con người, cố nhiên các nhà quản trị làm thế chỉ với khao khát đạt hiệu ích cao nhất vào mỗi quý, mỗi năm. Nhưng, một bộ luật nghiêm khắc và rập khuôn chỉ gây tác dụng ngược, vì hai lẽ : Tự con người khi sống chung sẽ đề ra quy tắc ứng xử ngầm khiến mỗi bên đều thấy thoải mái ; coi công sở là 2/3 đời người mỗi ngày thì nó phải như ngôi nhà thay vì trại giam, khi con người bị kiềm chế quá nhiều thì họ tự sinh chán nản và không trung thực với công tác.

Câu truyện cười ra nước mắt Cái chết của một công chức (Смерть чиновника) cũng do Anton P. Chekhov viết, cho thấy hậu họa tự kỷ ám thị khi công chức phải ở trong hoàn cảnh căng thẳng kéo dài.

Có thể những điều đưa ra này chưa đủ, nhưng AFA sẵn lòng thương thảo với khách hàng để cùng đưa ra giải pháp tối ưu nhất để khắc chế mặc cảm công sở, tùy điều kiện thực của mỗi doanh nghiệp. Sau đây, chúng tôi mạo muội nêu vài cách :

1. HÃY TÍCH CỰC SOẠN NHẬT KÝ

Quả là, đã rất lâu rồi tôi không còn nghe nhắc đến nhật ký hay lưu bút nữa, vì con người đã gần như hành xử và tương tác bằng kỹ nghệ số hóa. Nhưng ở phương diện quản lý nhân sự, lời khuyên của AFA là doanh nghiệp nên kêu gọi nhân viên soạn nhật ký, và bằng cách thiết thực nhất là giúp họ dư dật về giấy bút.

Năm 1886, Anton P. Chekhov đăng truyện Vanka (Ванька), kể về một thằng bé học đánh giày ở thủ đô viết thư than khổ với ông nội. Nó bị chủ đánh đập và bỏ đói, luôn trong tâm trạng nhớ kỷ niệm khi ở nhà chủ cũ. Thư viết xong, nhưng không biết địa chỉ của ông ở chỗ nào, thằng bé đề “Gửi ông nội ở làng - Konstantin Makarych” và lén đem bỏ hòm bưu phẩm, rồi sung sướng thiếp đi. Câu truyện tưởng ngô nghê gợi ý rằng, những u uẩn thường nhật có thể dịu khi mỗi người tập cách đối diện chính mình. Thay vì lẩn tránh bằng các công cụ phụ trợ như Facebook, Zalo, Viber... hành vi này khiến nhân viên gìn giữ được cảm xúc và cũng từ đó trút đi những phiền muộn không đáng nơi công sở, do vậy, mỗi sáng đến công ty sẽ là con người tinh khiết mà không cần biện pháp phức tạp. Hơn nữa, đây cũng là cách mỗi người tự rèn vốn sinh ngữ - nhất là bản ngữ - vấn đề đang ngày một nhức nhối trong môi trường kinh doanh. Sự lạm dụng ngoại ngữ dễ dẫn đến chứng loạn ngữ, thậm chí khó dung nạp thông tin. Tôi đã được tiếp xúc nhiều công chức rõ ràng là người Việt nhưng chỉ nói được quốc ngữ một cách trọ trẹ như trẻ lên ba, và bạn có thấy dễ chịu khi phải nghe những câu như “Anh ơi, em gâu-tu bây giờ đây...”, “Hôm nay em bị sì-chét nên không thể nào pho-cớt được...”, rất bất lợi cho những doanh nghiệp chú trọng công hiệu học. Nhưng hơn hết, từ sự thấu ngạn văn sẽ dẫn đến tinh thần ái quốc trực diện và mạnh mẽ - điều mà đa số doanh nghiệp đang cần, rất cần.

Anh Tông Hiếu hoàng đế nhà Trần được kể là người rất chăm soạn nhật ký.

2. HÃY TÍCH CỰC LỢI DỤNG ĐIỂM MÙ KHÔNG GIAN

Trong thực tế, những khoảng không vô nghĩa lại đem tới khoảnh khắc thư giãn lý tưởng. Ngày bé, tôi thường theo mẹ đến sở làm, đó là một bệnh viện lớn với những khoảnh sân rộng rợp lá bàng. Mỗi ngày, tôi thường lấy trộm của mẹ khi thì cái bút, lúc chỉ là lọ thuốc dở, rồi trốn đi một góc không ai tìm được. Những góc khuất đó tất nhiên là dơ dáy, nhưng nhất định có nhiều mẩu thuốc hút và cả bã thuốc lào. Một việc khác, tôi thường gặp những buổi trưa tìm dép. À thì ra trong cái hành lang tối bao giờ cũng nghe khói thuốc đặc quánh và có người ngồi bấm điện thoại ; chừng tôi bảo “Anh Hùng trả dép cho em”, người ấy mới cất lời “Ô-kê, so-ri em” nhưng mắt không rời màn hình. Bạn hỏi, sao anh ta không ra chỗ sáng, nơi có ánh đèn và cả nắng trời mà làm việc cho đỡ hại mắt. Thì vướng mắc ở đây là, nhân viên cần cảm giác thăng bằng sau quá nhiều áp lực (khối lượng công việc, tiếng ồn, mâu thuẫn chất chồng). Những góc an tĩnh tương đối như thế tự có ý nghĩa xốc lại tinh thần, cho mỗi người được trở lại cái bản ngã.

Nikolai Gogol từng viết truyện Cái áo khoác (Шинель), kể về lão Akaky Akakievich Bashmachkin, một công chức bàn giấy tích vốn nhiều năm chỉ để mua cái áo rét 80 rub. Thường bữa tối, lão Akaky có thói vừa ăn vừa đọc lịch công tác hôm sau, thậm chí đĩa súp có ruồi chết cũng chẳng màng. Niềm ước có áo trở thành động lực khiến lão làm việc hưng phấn hơn, xua hết cái nhàm chán nơi công phòng. Sắm được áo rồi, lão đi dự tiệc sinh nhật của đồng nghiệp, nhưng lúc về lại bị cướp mất. Akaky hoảng hồn đi khắp cơ quan công quyền để nhờ vả, chỉ nhận được cái ghẻ lạnh và còn bị “nhân vật quan trọng” mắng. Rốt cuộc lão về nhà và chết. Từ đấy, người ta đồn về một con ma tìm áo cứ hoành hành khắp thành phố mỗi đêm, cứ hễ công chức là bị cướp, nhưng chỉ khi gặp nạn nhân cuối cùng là “nhân vật quan trọng” thì nó thôi không cướp nữa. Câu truyện này ngẫu nhiên chỉ ra sự cần thiết của những khoảng tối - để làm dịu đi thói giả tạo cứng nhắc trong lối sống gia tốc đương đại.

Năm 1843, N.V. Gogol từng chua chát nói : "Quả thật có thể tin được điều người ta nói là : tất cả đều chết hết rồi, rằng ở nước Nga, những linh hồn sống đã nhường chỗ cho những linh hồn chết".

3. HÃY TÍCH CỰC RÈN RŨA GIỚI TÍNH (cho nữ phái)

Trong cái thời đại lớp người chuyển giới và dị giới được lên ngôi trong mắt quần chúng, tôi vẫn cho rằng bản ngã của họ thực chất chỉ xoay quanh vấn đề nam-nữ. Cho nên, sự rèn giới tính hoặc nam hoặc nữ không hề có hàm ý bêu riếu hay triệt cách sống của mỗi người, mà chính là tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa các phái trong cùng không gian công sở. Nhưng tại sao vậy ?

Thống kê sơ bộ chỉ ra, tuy được cấp cho điều kiện tương đương, nữ giới luôn ít đạt thành công bằng nam giới, nhưng họ lại đứng trên người khác phái về khả năng làm chủ gia đình ; nói một cách khái quát rằng, nữ giới nên được doanh nghiệp giúp làm tốt vai trò bảo gia. Cho nên, điều tệ nhất sẽ xảy ra khi doanh nghiệp nêu yêu cầu cho nữ và nam giống nhau, thậm chí đặt họ sai vị trí của nhau, chỉ vì quan điểm nữ quyền (điều vốn đang bị chỉ trích). Đấy là khi xu hướng đàm tiếu, tọc mạch và cả đố kị dâng cao (nếu ở tầm thấp thì khả dĩ chấp nhận được), kèm theo theo một số biểu hiện bệnh lý từ nhẹ đến lớn như trầm cảm, quát tháo, ăn mặc trễ tràng...

Nữ giới, khi được đặt ở vị trí người chủ gia đình, thì nên được tôn trọng quyền nghỉ dưỡng để chăm trẻ sơ sinh, thậm chí tạo điều kiện cho họ được đến muộn và rời sớm công sở để toàn tâm với con cái, như vậy làm bớt đi gánh nặng cho nam giới để họ làm tốt vai trò chủ xã hội của mình. Doanh nghiệp cũng có thể khuyến khích nữ giới trang điểm nhẹ, ăn mặc ưa nhìn, tích cực nấu ăn, thêu thùa và cả hát. Không chỉ là, họ sẽ như đóa hoa đẹp cho môi trường công sở mà còn giúp điều tiết phong thái ứng xử giữa những mâu thuẫn chồng chéo nhau rất dễ gây xung đột mạnh.

Thống kê khác cũng cho thấy, trong môi trường đề cao tính gia tốc và khối lượng công việc lớn, thì bạo hành gia đình có xu hướng tăng và thậm chí trở nên quái ác hơn. Những phụ nữ lớn tuổi thường có xu hướng thích treo ảnh con trước bàn công tác hoặc trong máy tính, thậm chí có thể òa khóc khi bất giác thấy nó lúc quá căng thẳng. Nhưng căn cơ chính từ sự lạm dụng phương pháp cào bằng giới tính.

Trong hoàn cảnh công sở, nữ lưu nên trang điểm nhẹ, ăn mặc gọn gàng và gánh trách nhiệm ít hơn nam giới. Khi được yêu cầu, các chuyên gia AFA có thể giúp khách hàng chọn hình thức phụ nữ công sở hợp nhất cho từng doanh nghiệp (như : Đầu tóc, mỹ phẩm, phục trang...).

4. HÃY TÍCH CỰC BÀI TRÍ KHÔNG GIAN LINH HOẠT

Môi trường công sở được coi là nơi thường xảy ra các hiện tượng đố kị, bắt nạt và thậm chí quấy rối tình dục. Chính là bởi không khí làm việc căng thẳng được duy trì quá lâu. Các doanh nghiệp lớn thường đưa ra giải pháp là siết chặt kỷ luật, đồng thời tăng cường các chuyến du ngoạn đắt tiền ; còn nhiều doanh nghiệp nhỏ thì cho phép nhân viên được đánh bạc, ăn nhậu sau giờ hành chính, thậm chí lãng mạn hơn là kêu gọi nhân viên tích cực đối thoại, tập thiền định, rèn thể dục cùng nhau. Những cách làm này nhất thời có thể gây hiệu ứng tốt, nhưng là vô hiệu trong tiến trình dài, và thực tế không đóng góp được nhiều cho sức phát triển của doanh nghiệp, thậm chí kích động xu hướng ỷ lại và nuôi dưỡng phẫn nộ tiềm tàng. Chúng tôi cho rằng, những biểu hiện này chỉ là hệ quả của chuỗi mặc cảm công sở mà thôi, chỉ được giải quyết tận cùng bằng trải nghiệm sinh lý. Một công sở hiện đại chỉ được coi là tối ưu nếu tận dụng được phương pháp này theo cách thông minh nhất tùy điều kiện của doanh nghiệp.

Có ý kiến cho là phải bày tại công sở thật nhiều tranh tượng danh nhân, khẩu hiệu, tiêu chương... để giáo huấn tinh thần công tác, đó là quan điểm rất cũ và phi thực tế. Nhưng trái quan niệm cho tranh tượng khỏa thân là dung tục, sự bố trí dòng tranh tượng khai thác tính phồn thực có thể giúp điều tiết ẩn ức công sở rất tốt. Thậm chí những tranh tượng thiên sứ có thể làm giảm nguy cơ ấu dâm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thương thảo rõ với chuyên gia AFA để có tranh tượng hợp công ty mình, vì sự lạm dụng có thể gây hiệu ứng ngược.

Chỉ điểm xuyết vài tranh tượng tân cổ điển vào hoàn cảnh công sở, bạn đã tôn vẻ đẹp không gian lên nhiều, mà lại giúp điều tiết sinh lý dễ dàng.

5. HÃY TÍCH CỰC BIẾM TRÍCH

Nhà quản trị cùng nhân viên phải kiến tạo và dung dưỡng tinh thần chỉ trích, thậm chí trào lộng trong môi trường kinh doanh. Thay vì những lời khen rỗng hoặc cách khu xử giả tạo, mỗi người không cần phải soạn sẵn những câu nói có cánh hòng chiếm lòng lãnh đạo nữa, mà đặt hiệu quả công tác làm trọng tâm và bao bọc nó bởi những phê phán nghiêm khắc cho nhau để công trình đạt tối ưu. Tự hành vi này, chỉ làm sao giữ không cho chạm tới danh dự cá nhân, thì hoàn toàn có thể làm giãn bớt căng thẳng thần kinh rất chóng vánh, thậm chí gây tình thân khắng khít thay vì những khẩu hiệu “đoàn kết” giáo điều phi thực tế. Vẫn là bạn tôi - Sìn, những tranh cãi của chúng tôi vẫn tiếp diễn và ngày càng gay gắt hơn, nhưng lâu rồi tôi không còn nghe tiếng phàn nàn tại công ty về hạnh kiểm của y nữa.

Tinh thần cộng tác và phê bình là những điều nhân sự AFA rút đúc được qua truyền thuyết các hiệp sĩ Bàn Tròn.

Thế hệ chúng tôi có nhiều người từng day dứt vì cái chết của những Lê Công Tuấn Anh, Trương Quốc Vinh, hay Phác Dung Hạ… mà căn nguyên từ căng thẳng quá ngưỡng trong công việc. Chính điều đó gây phương châm “giúp người là giúp mình”, AFA sẽ cùng khách hàng nỗ lực tìm giải pháp tối ưu cho vấn đề mặc cảm tại công sở.

T.V. Cường
© Phòng Tiếp Thị · Công ty AFA · 2017