Các yếu tố cần thiết để ổn định tâm lý nhân viên khi quay trở lại văn phòng sau giãn cách, từ đó khiến họ an tâm làm việc thông qua góc nhìn từ thiết kế văn phòng làm việc là gì?


Sau thời gian giãn cách, khi dịch Covid 19 tại các thành phố được kiểm soát thì sẽ là lúc các doanh nghiệp và văn phòng quay trở lại hoạt động bình thường. Lúc này, doanh nghiệp đứng trước thách thức về việc làm thế nào để khiến tinh thần nhân viên quay trở lại nhịp độ làm việc ổn định sau thời gian dài làm việc tại nhà? Cùng với đó, không gian văn phòng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc ổn định tâm lý nhân viên. Vậy làm thế nào để đảm bảo và tái thiết lập môi trường làm việc an toàn, hạnh phúc và sẵn sàng cho các nhân viên cống hiến và làm việc? Dưới đây sẽ là những góc nhìn đa chiều được phân tích dưới khía cạnh thiết kế văn phòng làm việc được AfA Design tổng hợp. 


Định hình không gian làm việc an toàn - phân tách các khu vực


Sau một khoảng thời gian dài không được di chuyển và chỉ làm việc tại nhà, các nhân viên sẽ quay trở lại văn phòng với một tinh thần hào hứng và sôi nổi. Tuy nhiên, khi dịch Covid 19 vẫn còn là một mối đe dọa mới chỉ tạm thời được kiểm soát, thì nỗi e ngại về không gian làm việc vẫn là một rào cản khiến tinh thần làm việc trở nên bất ổn. Chính vì vậy, nhiệm vụ của doanh nghiệp là cần nắm bắt được tâm lý nhân viên đồng thời là những kiến thức về phòng dịch để định hình nên một không gian làm việc an toàn khiến nhân viên an tâm làm việc. 

Thiết kế văn phòng làm việc phân tách các khu vực riêng biệt


Như bạn đã biết, khẩu hiệu 5K - trong đó K - Khoảng cách là một trong những vấn đề rất được quan tâm trong chiến dịch phòng dịch Covid 19. Yếu tố này có liên hệ mật thiết với tính định hình không gian làm việc tại văn phòng. Với yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa từng người theo đúng chỉ thị có thể là bất khả thi với thiết kế văn phòng làm việc tại Việt Nam. Điểm chung hầu hết của các văn phòng tại nước ta là mật độ nhân viên làm việc trên một đơn vị diện tích rất cao. Mặc dù theo tiêu chuẩn diện tích thiết kế văn phòng là 5 - 6m2/người nhưng thực tế tại Việt Nam chỉ nằm trong khoảng 3 - 4m2/người. Điều này gây trở ngại trong nguyên tắc giữ khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể xử lý linh hoạt bằng những cách phân định không gian hoặc thời gian làm việc giữa các cá nhân/phòng ban. 


Phân định không gian làm việc bằng cách tách hoàn toàn không gian hoạt động của từng phòng ban đồng thời tại những khu vực như Pantry, Cafe hoặc phòng họp có thể tạm thời dừng hoạt động hoặc thực hiện chia tách vị trí. Điều này sẽ góp phần hạn chế tiếp xúc giữa các cá nhân trong doanh nghiệp. Những động thái này của công ty sẽ cho nhân viên thấy được ý thức trách nhiệm của ban lãnh đạo và tự thực hiện nghiêm túc những quy định an toàn phòng dịch. 


Giữ cho không gian luôn được thông thoáng và sạch sẽ

Trong chiến dịch phòng chống dịch Covid 19, các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng luôn phải khiến cho không khí lưu thông để đảm bảo chất lượng không khí. Vì vậy, việc đảm bảo một nguồn không khí sạch, được lưu thông thường xuyên chính là lưu ý quan trọng trước và trong khi nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc. 


Các doanh nghiệp có thể làm tốt việc này bằng cách khử khuẩn, lau dọn văn phòng trước khi nhân viên quay trở lại văn phòng một ngày. Bên cạnh đó, đầu tư thêm các loại máy lọc không khí để nâng cao chất lượng không khí tại văn phòng làm việc. Bên cạnh đó, việc bảo trì lại hệ thống thông gió của văn phòng cũng là một động thái cần được chú ý để luôn giữ cho không khí trong văn phòng được lưu thông, các cửa sổ nếu có cần được mở trong khoảng thời gian nhất định trong ngày làm việc. 

Cần có những giải pháp mới trong thông gió cho văn phòng.


Những việc làm này tuy nhỏ nhưng sẽ tạo nên những chuyển biến rất lớn trong tâm lý người lao động khi quay trở lại nơi làm việc. Không chỉ khiến họ yên tâm hơn khi làm việc tại văn phòng mà những điều này còn góp phần nâng cao ý thức phòng dịch an toàn của từng cá nhân trong công ty.